image banner
Năm 2023 đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số
CÔ GIÁO VŨ THANH DUNG – NGƯỜI “TRUYỀN LỬA” NIỀM SAY MÊ MỸ THUẬT CHO HỌC TRÒ
Lượt xem: 51

        Hơn 20 năm gắn bó với nghề dạy học, cô Vũ Thanh Dung luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm cũng như những yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp của một cô giáo tiểu học. Ngoài kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ thì điều quan trọng nhất mà một giáo viên tiểu học phải có đó là tình thương yêu, lòng nhân ái, tính chịu khó, kiên trì,… Bởi lẽ, các con ở lứa tuổi tiểu học là lứa tuổi rất hiếu động, tinh nghịch và rất dễ bắt chước người lớn. Vì vậy, để hình thành nên những thói quen, nhân cách tốt cho trẻ thì cô giáo cũng phải có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, trung thực, giàu lòng nhân ái, lời nói, sự giao tiếp, thái độ, cách đi đứng, cách ứng xử với đồng nghiệp, với phụ huynh đặc biệt là với trẻ,… sao cho chuẩn mực và luôn luôn phải là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. 

 

        Khuôn mặt luôn nở nụ cười nồng ấm, sự thoải mái, thân thiện, nhiệt tình và tận tụy là những điều mà ai lần đầu tiên tiếp xúc với cô giáo Dung đều cảm nhận.

        Với ước mơ tha thiết được truyển thụ cho những trẻ thơ vẻ đẹp của cuộc sống, của thiên nhiên của con người thông qua hoạt động dạy và học của môn Mĩ thuật, từ đó góp phần giúp các em hình thành nhân cách.

       Trong bất kì hoạt động nào, cô giáo Vũ Thanh Dung cũng tận tâm - đặc biệt là trong hoạt động chuyên môn. Cô Dung chia sẻ: “Để tạo hứng thú và phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, tôi thường thiết kế bài dạy phù hợp và chuẩn bị đồ dùng dạy học chu đáo. Ngay từ phần khởi động tiết học, tôi lồng ghép kiến thức vào những bức tranh, bài hát, câu thơ, điệu múa hay những tiểu phẩm để gợi nhắc nội dung bài học. Qua đó tác động trực tiếp vào thị giác, thính giác của học sinh giúp các em hứng thú ngay khi bắt đầu tiết học.

       Cô không những thân thiện mà rất quan tâm đến các em, cô hướng dẫn, động viên kịp thời khi các em gặp khó khăn trong quá trình thực hành. Tôi nhận thấy trên khuôn mặt các em không còn sự lo lắng, sợ hãi khi không hoàn thành bài mà thay vào đó là những nụ cười, sự hồn nhiên vô tư, các em đã rất mạnh dạn chia sẻ bài cùng với cô.

         Không chỉ vậy, cô Dung thường chia nhóm lớp để tổ chức các cuộc thi vẽ tranh hoặc trò chơi theo nhóm. Hình thức luôn đổi mới vừa đảm bảo kiến thức vừa tạo hứng thú cho học sinh như: nhóm Họa sĩ vẽ tranh, nhóm Khéo tay xé dán giấy, nhóm Sáng tạo sử dụng đồ chơi cũ, vật liệu sẵn có để tạo mô hình sản phẩm…

 

 

        Theo cô Dung, bài thực hành của các em có tiến bộ rõ rệt, sản phẩm tạo ra đẹp, đa dạng thể loại, hình dáng, độ bền cao, chắc chắn, có thể trang trí và sử dụng lâu dài như hộp đựng bút, chậu cây cảnh, bình hoa, tranh đắp nổi, mô hình 3D..... Ngoài ra còn giúp tiết kiệm chi phí và rèn luyện cho các em được rất nhiều kỹ năng như hoạt động nhóm, xử lý tình huống, năng động, sáng tạo, tự tin, tiết kiệm…

 

 

 

 

      Bên cạnh đó, năng lực được hình thành và phát triển toàn diện. Các em mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp, trong trình bày quan điểm nhận thức của mình và bồi dưỡng giáo dục tình yêu thiên nhiên con người, yêu đồ vật xung quanh, biết cảm thụ cái đẹp, gìn giữ, trân trọng có ý thức bảo vệ môi trường.

 

     Có thể hiểu, thẩm mĩ là hình thức cảm nhận giác quan về cái đẹp, cho phép con người giải thích bản thân và người khác bằng ngôn ngữ nghệ thuật. Chính vì thế, thẩm mĩ còn là cách để chúng ta thể hiện cảm xúc. Với sự thay đổi về phương pháp dạy học mĩ thuật mới theo phương pháp Đan Mạch đã đem đến cho giáo viên dạy môn mĩ thuật cảm hứng để hỗ trợ học sinh phát triển khả năng tiếp thu thẩm mĩ và sáng tạo, bằng cách khuyến khích các em trải nghiệm, sáng tỏ, bày tỏ, hợp tác và giao tiếp với nhau qua các hoạt động mĩ thuật thực tế. Thông qua hoạt động mĩ thuật thực tế, học sinh tự mình làm giàu cách biểu đạt, phân tích, đánh giá, tự lựa chọn và nhận thức để hình thành và phát triển những năng lực ở cá nhân.

 

     Là người luôn trau dồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cho bản thân, luôn khiêm tốn và ân cần gần gũi với đồng nghiệp và học sinh, cô Dung chia sẻ: "Tận sâu thẳm trong tim, tôi luôn ấp ủ niềm say mê nghề, khát khao cống hiến cho ngành giáo dục nước nhà những sản phẩm nghệ thuật hội họa, những họa sĩ tương lai… Từ đó, góp phần đoàn kết gây dựng và đưa phong trào Mỹ thuật của nhà trường đi lên bằng nhiều thành tích nổi bật và đáng tự hào".  Đối với giáo viên bộ môn Mỹ thuật, cơ hội được dìu dắt và đồng hành cùng học sinh trong những cuộc thi lớn sẽ ít hơn so với các bộ môn chính.

    Tuy vậy, cô Dung tin rằng bằng nhiệt huyết của bản thân, cô có thể góp một phần nhỏ trong quá trình học sinh trưởng thành, tích lũy kiến thức. Đối với các hoạt động, phong trào của nhà trường cô đều tham gia nhiệt tình và có nhiều sáng tạo. Trong quá trình giảng dạy bộ môn Mĩ thuật, cô đã nhóm được lửa, lan tỏa giúp phong trào vẽ của học sinh nhà trường được nâng lên rõ rệt. Mỗi cuộc thi Mĩ thuật được tổ chức, học sinh hào hứng tham gia nhiều hơn và giành nhiều giải thưởng cao. Như cuộc thi gần đây nhất “Em vẽ ước mơ của em” lần thứ 15 có tranh của HS đạt giải cấp Thành Phố.

 

          Bên cạnh đó cô còn tham gia tích cực cuộc thi vẽ tranh quốc tế Toyota “Chiếc ô tô mơ ước” do công ty Toyota Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Cuộc thi là một sân chơi ý nghĩa nhằm khơi dậy niềm đam mê sáng tạo, ước mơ bay bổng, trí tưởng tượng phong phú và những ý tưởng mới mẻ, độc đáo về chiếc ô tô mà các em mơ ước, hướng tới tương lai của sự chuyển động, vì một xã hội văn minh, an toàn, tốt đẹp hơn.  

 

 

      Cô giáo Dung cũng rất được đồng nghiệp tin yêu và lãnh đạo nhà trường tin tưởng mỗi khi giao nhiệm vụ. Không những hết lòng với học sinh ở trường, khi ở nhà cô là người mẹ, người vợ đảm đang và chu đáo. Dù công việc giảng dạy bận rộn nhưng cô vẫn luôn đảm bảo cân đối giữa công việc và gia đình.

       Chính tình yêu nghề đã giúp cô giáo Dung vượt qua nhiều khó khăn, mà trước hết đó là khó khăn về “Cơm áo, gạo tiền”. Với mức thu nhập của 1 giáo viên tiểu học dạy môn chuyên Mỹ thuật để đảm bảo cho 1 phần cuộc sống gia đình trong thời buổi hiện nay không phải là điều dễ. Chính sự khéo tay trong tài năng dạy môn Mỹ thuật đã góp phần giải quyết khó khăn đặt ra trong cuộc sống thực tế của cô. Cô Dung đã tham gia giảng dạy các lớp năng khiếu Mỹ thuật cho Trung tâm Gấu trúc xinh trong các dịp hè...... và đây chính là nguồn thu nhập để cô giáo dạy Mỹ thuật có điều kiện theo đuổi nghề mà mình yêu thích nhưng vẫn đảm bảo sự chủ động của người phụ nữ trong việc cùng chồng chăm lo kinh tế gia đình. “Thước đo của cuộc đời không phải là thời gian, mà là cống hiến.” Cô giáo Vũ Thanh Dung của mái trường Tiểu học Nam Sơn thực sự là một tấm gương cao đẹp về tinh thần cống hiến và tận tâm đối với nghề, với đời. Đứng trước người đồng nghiệp đáng mến này, tôi bỗng nhớ đến mấy vần thơ:

Phấn trắng quen rồi mấy mươi năm,

Bục giảng thân thương những thăng trầm.

Nghĩa tình đồng nghiệp vui ngày tháng,

Học hỏi, giao lưu chẳng ngại ngần.

Tiếng bổng tiếng trầm vẳng bên tai,

Âm tiết văn chương luyện mỗi ngày.

Cô giáo, miệt mài vui đến lớp,

Học trò ham học vẽ hăng say.

 

Xin chúc cô giáo Vũ Thanh Dung luôn giữ mãi ngọn lửa đam mê với nghiệp phấn bảng, bút nghiên và màu vẽ. Mong rằng đóa hoa thơm ấy sẽ tiếp tục tô điểm thêm nhiều màu sắc rực rỡ cho mái trường Tiểu học Nam Sơn mến yêu./.

Ban biên tập

Trường Tiểu học Nam Sơn

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Tin mới